Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo tại Văn bản số 1563/VPCP-CN ngày 26/02/2019 giao Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Đại Dương tại Khu kinh tế Nghi Sơn; nghiên cứu các kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu (đá vôi, đá sét) trong quá trình lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD); Văn bản số 1630/UBND-CN, ngày 12/02/2019; Văn bản số 4018/UBND-CN, ngày 05/4/2019; Văn bản số 5130/UBND-CN, ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Căn cứ điểm d, Khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017, quy định: “Các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đã được quyết định hoặc phê duyệt hết hiệu lực chậm nhất là ngày 31/12/2018”.
Và căn cứ Khoản 2, Điều 31, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014, quy định: “Dự án không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên” thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Điều 29, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý VLXD, quy định: “Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất VLXD”.
Cuối cùng, căn cứ điểm a, Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 07/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong định hướng phát triển không gian tại đất khu phía Nam có quy hoạch để sản xuất VLXD.
Trên cơ sở căn cứ nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét việc quyết định chủ trương đầu tư theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, dự án phải gắn với vùng nguyên liệu, lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện, đáp ứng các yêu cầu về phát thải bảo vệ môi trường và phù hợp với quy hoạch tỉnh.
Về bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu, căn cứ Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 (Quy hoạch 1065), tại Phụ lục 2 đã quy hoạch 2 mỏ đá vôi tại xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh và xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá là các mỏ khoáng sản dự trữ cho nhu cầu sản xuất mở rộng và đầu tư mới sản xuất xi măng.
Trong đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa có những khu vực mỏ nằm ngoài Phụ lục 2 Quy hoạch 1065, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, cập nhật, bổ sung trong quá trình lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD” theo quy định của Luật Quy hoạch.